Phỏng vấn "Nhà thiết kế âm thanh" Morinaga Yasuhiro

    “Nhà thiết kế âm thanh”, một nghề khá mới lạ ở Châu Á được nghệ sĩ Morinaga Yasuhiro giới thiệu tại Hà Nội, trong khuôn khổ chuỗi hoạt động văn hoá do Trung tâm Giao lưu Văn hoá Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức. Trong những ngày lưu lại tại Việt Nam, Morinaga Yasuhiro đã có những chia sẻ về nghề thiết kế âm thanh cùng Kilala. 

    Tại Nhật Bản, vũ điệu Thần Lạc (Kagura) được cho có nguồn gốc hình thành từ khởi thiên lập địa, khi nữ thần mặt trời Amaterasu (vị thần tối cao của Shinto giáo) ẩn mình vào hang sâu khiến vạn vật phải sống trong cảnh tăm tối. Nữ thần bình minh Ame no Uzume tấu lên vũ khúc rộn ràng khiến các vị thần khác phải nhảy múa theo. Nữ thần Amaterasu tò mò tiến ra khỏi hang để xem, nhờ vậy trời đất mới có ánh sáng trở lại. Việc sử dụng âm thanh để gợi lên cảm xúc cho người khác như điệu vũ ngày xưa của Ame no Uzume, chính là một phần vai trò của "Nhà thiết kế âm thanh"

    nghe si Morinaga Yasuhiro

    Nếu giới thiệu một cách ngắn gọn về nghề thiết kế âm thanh, bạn sẽ nói gì?
    Nó là sự hợp thành từ những khái niệm chủ yếu như “hiệu ứng âm thanh”, “nhà soạn nhạc”. Hiệu ứng âm thanh dùng nhiều cho ngôn ngữ phim, tạo hiệu ứng cộng thêm cho hình ảnh, ví dụ tiếng bước chân đi, tiếng gõ cửa. Nhà soạn nhạc trong phim tạo ra các đoạn nhạc tăng xúc cảm cho hình ảnh. Còn nhà thiết kế âm thanh sẽ bao gồm cả hai công việc đó, nhưng bao quát hơn về nội dung, có ý tưởng và cao trào; có khởi đầu, kết thúc; có câu chuyện đi kèm. Công việc khi hoàn thiện có thể gọi là một tác phẩm nghệ thuật hơn là một sản phẩm âm thanh thuần tuý.

    Một hiệu ứng âm thanh hay một tác phẩm âm nhạc, thường không quá dài, vậy tác phẩm của lĩnh vực thiết kế âm thanh sẽ thế nào? 
    Không có giới hạn về thời gian, tuỳ vào cảm xúc câu chuyện, nếu là phim thì sẽ tuỳ độ dài của phim mà âm thanh được kết nối xuyên suốt cho phù hợp, có thể là 100 phút hoặc thậm chí là dài hơn nữa. 

    Cảm nhận của bạn về vai trò thiết kế âm thanh trong đời sống hiện đại thế nào khi mà có quá nhiều công cụ hỗ trợ người làm nghề? 
    Thiết kế âm thanh ngày càng đóng vai trò quan trọng. Tôi đi quanh Đông Nam Á và thấy nhiều người dùng điện thoại thông minh, họ tự tạo ra những sản phẩm riêng rất độc đáo. Tôi nghĩ người Châu Á làm quen nhanh với kỹ thuật, khi kỹ thuật hiện hữu và chiếm lĩnh cuộc sống thường ngày, thì những nhân tố trở thành nhà thiết kế âm thanh càng nhiều hơn. 

    nghe si Morinaga Yasuhiro

    Để hoàn thiện một sản phẩm thiết kế âm thanh, làm việc độc lập và làm việc theo nhóm, cái nào sẽ có lợi thế hơn?
    Tôi thích làm việc theo nhóm, vì có thể chia sẻ thời gian, ý tưởng, văn hoá nền, đặc biệt là những người có xuất xứ khác nhau, khi phải làm việc cùng nhau, sẽ nảy sinh rất nhiều mâu thuẫn phải giải quyết, nhưng đồng thời mọi người đều có cơ hội trải nghiệm và thu hái được nhiều thứ mà chẳng bao giờ bạn gặp trước đó.

    Thiết kế âm thanh cho phim và cho tác phẩm độc lập, cái nào dễ hơn? 
    Khi thiết kế âm thanh cho một bộ phim, tưởng là khó, nhưng lại dễ vì có người điều khiển mình, chẳng hạn tôi cảm được nội dung một câu chuyện hay và mải miết sáng tác mãi lĩnh vực đó, không có điểm dừng, đạo diễn hoặc biên tập sẽ điều chỉnh tôi lại. Còn khi làm cho tôi thì chỉ biết lo thoả mãn bản thân, do vậy cứ mải miết mãi, có khi hàng tháng trời mà vẫn chưa thoát ra khỏi một đoạn ưng ý. 

    nghe si Morinaga Yasuhiro

    Nghề thiết kế âm thanh giúp bạn đi khắp đó đây trên thế giới, vậy môi trường công việc nào bạn cảm thấy yêu thích nhất? 
    Tôi nhận được nhiều lời mời làm việc từ châu Âu, nhất là các tác phẩm thiết kế âm thanh liên quan đến âm nhạc, trình diễn vũ đạo. Còn làm việc thì môi trường châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á hấp dẫn tôi nhiều hơn.

    Những đề tài hoặc tác phẩm nào bạn thực hiện ở Đông Nam Á? 
    Có nhiều đề tài tôi đã thực hiện cùng các nghệ sĩ trong khu vực như Ho Tzu Nyen người Singapore với tác phẩm “10.000 con hổ”, nhưng nhiều nhất là các công trình nghiên cứu và ghi âm liên quan đến văn hoá cồng chiêng ở các nước thuộc Đông Nam Á. Việt Nam sẽ là một trong những điểm đến kế tiếp vì tôi đã gặp gỡ, trao đổi với những nhà nghiên cứu cồng chiêng trong chuyến đến Việt Nam lần này. 

    Trong lĩnh vực thiết kế âm thanh, phần chất liệu là những bản ghi âm thực địa và những kỹ xảo để tạo nên âm thanh giả mà như thật, cái nào quan trọng hơn? 
    Thực ra cái quan trọng trước hết với tôi là tạo ra ý tưởng, sau đó mới tính đến chuyện đi ghi âm thực địa, tuỳ vào từng nội dung yêu cầu mà phương cách ghi nhận âm thanh sẽ khác nhau. Nhưng nơi nào càng xa xôi, hẻo lánh, gắn với đời sống dân tộc bản địa, hoặc những bản ghi âm về thiên nhiên núi rừng, ghi âm dưới nước, tôi càng có nhiều hứng thú tham gia. 

    nghe si Morinaga Yasuhiro

    Theo kinh nghiệm của bạn, đâu là môi trường phù hợp cho nghề thiết kế âm thanh?
    Lấy ví dụ trong lĩnh vực điện ảnh, hàng năm thị trường Âu – Mỹ cho ra rất nhiều sản phẩm, nhưng nếu làm phim cho Hollywood chẳng hạn, có cả ngàn người cùng làm một phim. Ở các nước Châu Á như Nhật, cũng có nhiều chọn lựa về phim thị trường, phim nghệ thuật, do vậy tuỳ vào năng lực mà quyết định lĩnh vực tham gia. Nếu thích thị trường thì tìm môi trường lớn, còn thích chất nghệ sĩ thì làm môi trường phù hợp với khả năng của mình.

    Mục đích chính của bạn đến với Việt Nam lần này là gì? 
    Tôi đến để giới thiệu về công việc của mình và làm thế nào để trở thành một nhà thiết kế âm thanh trong điện ảnh hay trong các tác phẩm nghệ thuật mang tính cá nhân. Ngay ở Nhật, nghề này cũng khá mới, và tôi biết ở Việt Nam cũng vậy. Nhưng các lĩnh vực về văn hoá nghệ thuật ở Việt Nam đang phát triển mạnh và tôi tin rằng sẽ có nhiều người tiếp cận và làm quen với nghề này.

    Xin cảm ơn anh về buổi trò chuyện thú vị này!

    kilala.vn

    Yasuhiro Morinaga (01/08/1980) là nhà thiết kế âm thanh, giám đốc âm nhạc, nhà làm phim tài liệu độc lập và sáng lập trang The-Concrete.org – nơi công bố các tác phẩm thiết kế âm thanh của Yasuhiro để mọi người xem và chia sẻ. Morinaga thường tổ chức hội thảo giới thiệu về nghề thiết kế âm thanh tại các trường đại học và không gian công cộng ở các nước trên thế giới. 


    16/02/2019

    Bài: Nguyễn Đình
    Ảnh: Nhân vật cung cấp

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!