Tìm lại vẻ đẹp cho “cửa số tâm hồn” bằng bài tập giảm chảy xệ da vùng mắt

    Đôi mắt được ví như “cửa sổ tâm hồn” của mỗi người. Một đôi mắt đẹp, sáng long lanh sẽ là điểm nhấn trên gương mặt giúp bạn dễ dàng thu hút những người xung quanh. Tuy nhiên, đây cũng là nơi thể hiện rõ nhất dấu vết của thời gian bởi so với các vùng da khác, vùng da xung quanh mắt lại càng mỏng manh và lão hóa nhanh hơn. Trong bài viết này, hãy cùng Kilala thực hành bài tập giúp giảm chảy xệ da mắt nhé!

    Nguyên nhân nào gây chảy xệ vùng da mắt?

    Theo bác sĩ Park Sung-hoon (chuyên gia trị liệu người Nhật, giám đốc phòng khám Tsunagari Seitai-in), có hai yêu tố chính gây ra tình trạng chảy xệ ở vùng da quanh mắt (bọng mắt), liên quan đến xương và cơ.

    Nguyên nhân nào gây chảy xệ vùng da mắt?
    Ảnh: yokohamain.com

    Khi con người bước vào giai đoạn lão hóa, cơ thể bắt đầu sụt giảm các hormone (estrogen ở phụ nữ và testosterone ở nam giới), dẫn đến loãng xương. Xương gò má do loãng xương mà bị hạ thấp xuống, điều này gây ra các nếp nhăn hai bên mũi và má, nếp nhăn trên rãnh môi – hàm và gây sưng dưới mắt.

    Mặt khác, khi các cơ liên quan như cơ thái dương (temporalis muscle) và cơ vòng mi (orbicularis oculi) bị căng cứng hoặc yếu đi, rối loạn chức năng cơ cũng sẽ gây ra hiện tượng chảy xệ dưới mắt.

    Cơ thái dương là một cơ rộng, có hình quạt, hội tụ ở mỗi bên của đầu, lấp đầy hố thái dương, bao phủ phần lớn xương thái dương và đóng vai trò là nền tảng cho cơ mặt. Khi cơ thái dương căng cứng thì cơ mặt cũng bị căng cứng theo, khiến khuôn mặt chảy xệ.

    Trong khi đó, cơ vòng mi có vai trò khép mí mắt khi co lại. Bên dưới mắt có một khối mỡ được gọi là mỡ hốc mắt. Khi các cơ vòng mi hoạt động, chúng sẽ giữ chặt mỡ ở hốc mắt. Nhưng khi các cơ này trở nên cứng hoặc co lại và yếu đi, phần mỡ ở hốc mắt không được giữ chặt, từ đó cũng gây ra tình trạng chảy xệ vùng da dưới mắt.

    cơ thái dương
    Ảnh: slideplayer

    Bài tập giảm chảy xệ vùng da mắt

    Trong bài tập gồm bốn bước này, chúng ta sẽ đẩy lùi tình trạng bọng mắt bằng cách cải thiện xương và cơ.

    Bước 1: Điều chỉnh xương gò má

    Trước tiên, thực hiện với xương gò má phải. Giữ xương gò má trong lòng bàn tay phải, đặt lòng bàn tay trái lên thái dương. Cố định vị trí này và dùng lực ép hai bàn tay vào trong, duy trì trong 5 giây rồi từ từ thả ra. Lặp lại động tác này 3 lần.

    Bước 1: Điều chỉnh xương gò má.

    Theo cách tương tự, giữ xương gò má trong lòng bàn tay phải, đặt tay trái lên vùng phía sau thái dương và dùng lực ép vào trong, giữ trong 5 giây rồi từ từ thả ra. Lặp lại động tác này 3 lần.

    Thực hiện tương tự với xương gò má trái.

    Bước 2: Di chuyển da phía trên cơ thái dương

    Di chuyển phần da phía trên giúp nới lỏng cơ thái dương dễ dàng hơn. Về cơ bản, sử dụng ba ngón tay (hoặc 5 ngón nếu da dày) để véo và di chuyển da phía trên cơ thái dương. Thời gian thực hiện động tác này là 20 giây cho mỗi bên.

    Bước 2: Di chuyển da phía trên cơ thái dương.

    Bước 3: Thả lỏng cơ thái dương

    Để thực hiện bước này, đầu tiên hãy co các ngón tay của bàn tay phải lại thành hình dáng tương tự như bàn chân mèo. Đặt bàn tay trái áp vào thái dương bên trái rồi sử dụng khớp thứ hai của các ngón tay phải day vào cơ thái dương. Điều này sẽ làm giảm căng cơ cổ của bạn. Hãy thực hiện động tác trong 20 giây và tập trung vào các khu vực cảm thấy đau. Làm tương tự với bên còn lại.

    Bước 3: Thả lỏng cơ thái dương.

    Bước 4: Luyện cơ vòng mi

    Phương pháp tập luyện cho cơ vòng mi tương đối đơn giản, chỉ cần dùng ngón tay giữ vùng da lông mày, sau đó kéo nó lên một chút. Ở trạng thái này, hãy nhắm mắt lại trong 5 giây, rồi mở căng mắt trong 5 giây, thực hiện liên tục từ 5 đến 10 lần.

    Bước 4: Luyện cơ vòng mi.

    Để có thể giảm thiểu tình trạng chảy xệ vùng da quanh mắt, điều quan trọng là làm sao để nâng cao cơ gò má, cơ thái dương cùng cơ vòng mi và nhớ là hãy duy trì thực hiện bài tập như một thói quen hàng ngày.

    Xem thêm: Đừng để nếp nhăn giữa 2 chân mày khiến bạn già đi chục tuổi!

    kilala.vn

    08/09/2023

    Bài: Ciro
    Nguồn: Bác sĩ Park Sung-hoon

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!