Natsubate - đối phó với "căn bệnh mùa hè"

    Trong tiếng Nhật, natsu là mùa hè, bate là cách nói ngắn của bateru, nghĩa là rất mệt mỏi, tổn hao sức lực. Cứ mỗi độ mùa hè, bắt đầu từ tháng 5 và đỉnh điểm là tháng 6,7, đi đâu làm gì, ăn gì ở Nhật bạn cũng sẽ nghe nói về natsubate và cách phòng chống.

    Nguyên nhân của “căn bệnh mùa hè”

    Khi nhiệt độ môi trường tăng cao, cơ thể bạn bắt đầu cảm thấy uể oải, mệt mỏi, dễ cáu gắt, ngủ không sâu, thể trạng bắt đầu có những thay đổi đáng kể. Có người  mất cảm giác thèm ăn hoặc ăn không ngon miệng dẫn đến cân nặng bị sụt giảm được gọi là "natsuyase", và ngược lại, có người lại tăng cân vì ăn quá nhiều kem lạnh và uống nước trái cây, các thực phẩm nhiều đường được gọi là "natsubutori". Mọi người thường đổ lỗi cho cái nóng, nhưng không hẳn như vậy.

    Cơ thể chúng ta có cơ chế tự điều chỉnh thân nhiệt bằng việc cân đối quá trình sinh nhiệt hay thải nhiệt để giữ cơ thể ở một nhiệt độ cố định gần 37°C. Vì vậy, khi trời nóng, một trong những cách cơ thể chúng ta giải nhiệt là tăng cường bài tiết mồ hôi. Khi làm việc ngoài trời nắng nóng, cơ thể liên tục tiết mồ hôi nhưng nếu chúng ta không uống đủ nước, cơ thể sẽ uể oải, để lâu dẫn đến chứng mất nước và các khoáng chất cần thiết trong cơ thể.

    Natsubate - đối phó với căn bệnh mùa hè

    (Ảnh minh họa, teresa808 / PIXTA) 

    Mặt khác, ở nơi khô thoáng thì việc bay hơi xảy ra dễ dàng, nhưng những nơi có độ ẩm cao, mồ hôi khó bay hơi, các lỗ chân lông bị bít lại ngăn cản hoạt động của tuyến bài tiết dưới da này. Khi nhiệt độ môi trường lên quá cao, vượt quá khả năng thải nhiệt của cơ thể, chúng ta bắt đầu cảm thấy hoa mắt, choáng váng, da nóng và đỏ, kéo dài có thể gây ra bất tỉnh, dân gian gọi nôm na là “say nắng”. 

    Ngày nay, việc lạm dụng máy điều hòa không khí cũng là một nguyên nhân đáng kể. Hệ thần kinh con người có thể coi như một bộ phận cảm biến nhiệt độ. Khi nhiệt độ môi trường thay đổi đột ngột (từ trong phòng máy lạnh bước ra ngoài trời, hoặc ngược lại) làm bộ phận cảm biến này bị “nhiễu loạn”, cơ chế tự điều chỉnh cân bằng nhiệt hoạt động kém hiệu quả.  Đặc biệt, ở trong phòng quá lạnh một thời gian lâu còn làm cho cơ thể hao lực vì phải dùng hết năng lượng dự trữ để sản sinh nhiệt làm ấm cơ thể. 

    Khi hệ thần kinh “tập trung cao độ” vào việc điều chỉnh nhiệt độ cơ thể thì những chức năng khác sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều. Cơ thể mệt mỏi, tinh thần nặng nề, cảm giác đó theo ta vào giấc ngủ làm giấc ngủ cũng chập chờn, không sâu và hay tỉnh giấc.

    Một khi cơ thể mệt mỏi thì cảm giác thèm ăn cũng mất đi hoặc có ăn cũng không cảm thấy ngon miệng. Hệ tiêu hóa hoạt động không tốt, ăn không đủ chất mà đồng thời còn bị mất nước và khoáng chất làm sức đề kháng của cơ thể giảm thiểu, tạo điều kiện cho các bệnh tật khác phát sinh. 

    Cách phòng chống Natsubate

    1. Cung cấp đủ nước cho cơ thể

    cách phòng chống Natsubate

    (Ảnh minh họa, inkflo)

    Không đợt khát nước mới uống. Khi cơ thể đổ nhiều mồ hôi thì phải nạp nước ngay.Đặc biệt cần chú ý đến trẻ nhỏ khi chức năng hệ điều tiết cơ thể chưa thực sự phát triển hoàn chỉnh, chứng mất nước không bù đắp kịp càng dễ xảy ra. Hoặc những người lớn tuổi, thân nhiệt cũng dễ bị tăng cao khi nhiệt độ môi trường tăng cao. Bên cạnh đó là bổ sung vitamin và khoáng chất.

    2. Ngủ đủ giấc

    Để tăng chất lượng giấc ngủ, trước khi ngủ có thể massage cơ thể nhẹ nhàng, dọn dẹp phòng ngủ sạch sẽ thơm tho, tuyệt đối không để sự mệt mỏi của ngày hôm nay lưu lại đến sáng ngày mai là một điều cực kì quan trọng cho sức khỏe tinh thần.

    3. Vận động nhẹ nhàng

    vận động

    (Ảnh minh họa, PublicDomainPictures)

    Khi tinh thần mệt mỏi, chúng ta có thể vận động nhẹ khi trời mát vào buổi sáng hoặc tối. Tập thói quan vận động hằng ngày giúp cơ thể giữ vững nhịp sinh học, có tác dụng trong việc giải tỏa stress và tăng cảm giác ngon miệng.

    4. Tránh sự thay đổi nhiệt đột ngột

    Khi ở ngoài trời nắng thì không quên đội mũ, áo khoác nhẹ và nước uống đầy đủ. Ở Nhật, chúng ta hay nhìn thấy các công nhân lao động ngoài trời nóng luôn có một chiếc khăn quấn ở cổ và dùng để lau mồ hôi. Khi ở trong phòng không có máy lạnh thì nên tránh để ánh sáng mặt trời chiếu thằng vào phòng (treo màn/rèm cửa) và phòng phải thoáng khí. Ở vùng thôn quê, người Nhật thường đi ngủ trưa với một ít đá lạnh quấn vào một chiếc khăn và lót dưới cổ để nằm cho mát mẻ. Khi trong phòng có máy lạnh thì không nên để nhiệt độ quá thấp, quá chênh lệch với nhiệt độ bên ngoài, phòng khi ra khỏi phòng, cơ thể không bị sốc nhiệt đột ngột. Nhiệt độ chênh lệch trong-ngoài phòng nên ở mức 5-6 độ C là vừa phải.

    5. Chú ý "chất hơn lượng" trong việc ăn uống

    chú ý chất hơn lượng trong việc ăn uống

    (Ảnh minh họa, PublicDomainPictures)

    Khi không có cảm giác thèm ăn thì càng phải chú trọng chất hơn lượng. Ăn nhiều các thực phẩm giàu protein, vitamin, chẳng hạn như cơm, trứng, thịt heo, lươn, các loại đậu, khoai môn, cam, chanh v.v.  là những món ăn ưa thích của người Nhật để chống lại natsubate. Ngược lại nếu uống quá nhiều loại nước ngọt, nước giải khát hay bia lạnh, ăn quá nhiều hoa quả, các loại đồ ngọt trong mùa hè lại làm trọng lượng cơ thể tăng một cách không cần thiết. 

    6. Kiểm tra sức khỏe ngay khi có dấu hiệu bất thường

    Natsubate không hẳn là một bệnh, nó chỉ là sư mở đường cho một loạt bệnh khác nhân cơ hội bùng phát khi cơ thể mệt mỏi, thiếu chất, giảm sức đề kháng. Nhưng điều nguy hiểm là chúng ta có thể nhầm tưởng các dấu hiệu thay đổi của cơ thể nêu trên chỉ đơn thuần vì do nóng mà quên rằng đó có thể là biểu hiện, là triệu chứng của những căn bệnh khác. Vì vậy, không được chủ quan, ngay khi phát hiện có triệu chứng khác thường thì phải đi khám bác sĩ ngay để xem thử đó có phải đơn giản chỉ là natsubate hay không để có hướng xử lý chính xác.

    Minh Nhật / kilala.vn

    07/07/2015

    Bài: Minh Nhật / Ảnh: PIXTA

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!