Văn hoá Uchi-Soto và quan điểm "Người Nhật giả tạo"

    Trong tiếng Nhật, Uchi có nghĩa là “bên trong” còn Soto có nghĩa là “bên ngoài”. Hai khái niệm tương phản này không đơn thuần chỉ mang ý nghĩa ngôn ngữ, mà đã trở thành một nét văn hóa đặc trưng của xã hội Nhật Bản trong mọi lĩnh vực: Quan hệ xã hội, giao tiếp, kiến trúc,…

    Ý nghĩa mấu chốt của hai khái niệm này chính là việc phân chia mọi người thành hai nhóm: “trong nhóm” và “ngoài nhóm”. Thông thường, những cá nhân “ngoài nhóm” cần được tôn kính, và những cá nhân “trong nhóm” thì cần phải khiêm nhường. 

    Trong gia đình

    “Uchi” và “Soto” xuất phát từ các gia đình Nhật Bản khoảng 400 năm trước. Gia đình và bạn thân của bạn chính là “Uchi”, còn những cá nhân khác thuộc “Soto”. Khách ít được mời đến nhà chơi bởi “nhà” trong tâm thức người Nhật mang ý nghĩa thiêng liêng và là nơi để các thành viên “Uchi” tụ họp nên tránh để người ngoài, tức “Soto” thâm nhập. 

    Trong một ngôi nhà kiểu Nhật, cửa thường là cửa trượt, rất dễ mở và giúp các phòng thông nhau. Thiết kế này cũng thể hiện sự thân thiết và riêng tư của chỉ những người trong nhà với nhau. Ngoài ra, “Genkan”, tức chỗ để người ta tháo bỏ giày dép trước khi vào nhà, được xem là “Soto”. 

    Nhiều gia đình vẫn còn giữ quan niệm rằng áo khoác, mũ, giày dép đều phải được lập tức cởi bỏ tại “genkan” trước khi được bước vào nhà bởi những vật đó đã nhuốm cái “Soto” khi di chuyển và làm việc.

    chỗ để giày dép khi vào nhà
    Genkan”, tức chỗ để người ta tháo bỏ giày dép trước khi vào nhà, được xem là “Soto”

    Nhìn theo góc độ vệ sinh, đây lại là một cách làm hoàn toàn hợp lí bởi không mang bụi bẩn khi đi đường vào bên trong nhà. Hơn thế nữa, genkan cũng chính là nơi người ta trao quà cho chủ nhà (nhất là hoa hay đồ ăn tươi sống với hàm ý: “tôi sẽ trao quà ở đây để tránh làm bẩn nhà anh”).

    Trong công việc

    Khái niệm “Uchi” và “Soto” thể hiện rõ nhất chính là qua hệ thống kính ngữ trong môi trường làm việc kiểu Nhật.
    Dễ thấy nhất chính là khách hàng luôn được xem là “Soto” và cần nhận được sự tôn trọng từ nhân viên bán hàng, được xưng hô bằng tôn kính ngữ. Thái độ chuyên nghiệp của nhân viên chính là một trong những điểm nổi bật giúp xứ sở anh đào được mệnh danh là đất nước có dịch vụ hàng đầu thế giới.

    văn hóa kính ngữ trong môi trường làm việc
    Khái niệm “Uchi” và “Soto” thể hiện rõ nhất chính là qua hệ thống kính ngữ trong môi trường làm việc kiểu Nhật.
    Trong cùng một công ty thì bạn và đồng nghiệp cùng cấp được xem là “Uchi”, có thể nói chuyện bình thường, nhưng cấp trên lại được xem là “Soto” và trong giao tiếp cần sử dụng đúng tôn kính ngữ và khiêm nhường ngữ để phân định rõ vị trí. 

    Tuy nhiên, trong mối quan hệ với một công ty khác thì người ngoài công ty và khách hàng được xem là “Soto”. Khi nói chuyện với họ mà nhắc về người trong công ty mình, dù là cấp trên, có không dùng kính ngữ cũng không sao. Ví dụ trong công ty bạn sẽ gọi “Haruki-san” nhưng trong cuộc hội thoại với đối tác bạn sẽ bỏ chữ “san” nhằm nâng địa vị của đối phương và tỏ sự khiêm nhường về công ty mình.

    Người Nhật có "giả tạo"?

    Nhìn trên góc độ quốc gia, chúng ta đều biết người của quốc gia nào thì đều có lòng tự tôn dân tộc, nhưng lòng tự tôn dân tộc, hay đúng hơn là thái độ e ngại với người ngoại quốc của người Nhật một phần xuất phát từ cảm giác “Uchi” và “Soto”. 

    Người ngoại quốc đến Nhật Bản đều phải thừa nhận rằng người Nhật rất hiếu khách, rất thân thiện. Tuy nhiên, sự thân thiện đó không có nghĩa họ muốn làm bạn, muốn thân thiết hơn, hay muốn tìm hiểu sâu hơn về bạn. Bởi là người ngoại quốc, bạn được xếp vào nhóm “Soto” và cần được đối xử tôn trọng.

    Người Nhật cũng nổi tiếng với hai khái niệm “Honne” - cảm xúc thật, và “Tatemae” - bộ mặt bạn cho người khác thấy. Trong giao tiếp, sự nhã nhặn và lịch sự của người Nhật, đặc biệt là với người chưa thân, nhiều khi chỉ là “Tatemae”. Họ ít thể hiện cảm xúc thật, họ thường lịch thiệp và có phần nhún nhường, nhưng chính vì thế đôi lúc lời người Nhật nói chỉ mang tính chất lịch sự. 

    Chẳng hạn, nếu người Nhật nghe bạn nói được một câu tiếng Nhật, họ thường sẽ khen bạn “giỏi quá”, sau một buổi đi chơi, có thể bạn sẽ được mời “sớm đến nhà tớ chơi nhé”. Nhưng sự thật là bạn cần căn cứ vào độ thân thiết của mối quan hệ và hoàn cảnh để phán đoán xem họ đang thật lòng hay chỉ là “Tatemae” mà thôi.

    Uchi là một phần văn hóa đặc trưng của Nhật
    Người Nhật nổi tiếng với hai khái niệm “Honne” - cảm xúc thật, và “Tatemae” - bộ mặt bạn cho người khác thấy. 

    Mỗi quốc gia, không thể phủ nhận, đều có ít nhiều “Tatemae”, nhưng với người Nhật nói chung, tầm quan trọng của khái niệm này lớn hơn hẳn. Một số người chưa quen với văn hóa Nhật sẽ cảm thấy “Tatemae” gây cảm giác khó chịu, thậm chí thiếu chân thành, "giả tạo". 

    Nhưng không thể phủ nhận đây là một phần văn hóa đặc trưng của xứ sở này, chung quy lại đều là muốn thể hiện sự lịch thiệp và đề cao người đối diện.Với sự xem trọng “Uchi” và “Soto” của người Nhật nói chung, để một người “Soto” có thể trở thành “Uchi” là việc rất khó khăn. 

    Thế nên người ngoại quốc đa phần gặp nhiều vấn đề khi hòa nhập với nếp sống của Nhật Bản. Nhưng khó không có nghĩa là không thể, nếu bạn chân thành và kiên nhẫn, đặc biệt là phải cố gắng hòa nhập vào các cộng đồng người Nhật, sẽ có một ngày bạn được chấp nhận mà thôi.

    kilala.vn

    15/03/2019

    Bài: An Thuỷ
    Cover: Phys.org

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!