Oseibo - Văn hóa tặng quà cuối năm của người Nhật

    Oseibo là một nét văn hóa đẹp, chân phương của người Nhật, biểu đạt tấm lòng thành kính mà thường giá trị hơn mức giá của món quà.

    Từ mối quan hệ “chiều dọc” đến “chiều ngang”

    Theo sát nghĩa đen, Oseibo có nghĩa là cuối năm. Nó dùng để gọi những món quà được biếu tặng với hàm nghĩa tri ân nhằm duy trì quan hệ tốt đẹp trong những năm kế tiếp. Lịch sử phong tục này bắt đầu vào thời đại Edo, khi những thương nhân và người thuê nhà thường biếu tặng cho đối tác hoặc chủ thuê ít lễ vật để cám ơn một năm được giúp đỡ rất nhiều. Nếu trước đây đối tượng là người từng giúp mình, cấp trên hoặc đối tác (quan hệ chiều dọc), thì những năm gần đây còn có cả bạn bè thân thiết, người quen và người thân trong gia đình (quan hệ chiều ngang).

    Oseibo

    Thời gian để biếu tặng Oseibo được quy định rõ rệt, trước đây rơi vào khoảng từ 13/12 (còn gọi là “Susuharai” – ngày bắt tay vào dọn dẹp nhà cửa để đón năm mới) đến 20/12. Nhưng kể từ khi phong tục Susuharai suy thoái thì người dân vùng Kanto và Okinawa có xu hướng gửi quà từ đầu tháng 12. Thông thường, để không làm phiền người nhận trong những ngày giáp Tết bận rộn, người ta sẽ tránh gửi quà đến sau ngày 25/12. Chỉ có một số trường hợp được tính là ngoại lệ như thực phẩm tươi sống, cá hồi, rong cuộn… được dùng trong mâm cỗ ngày Tết. 

    Những quà tặng điển hình

    Một số quà tặng thông dụng dịp cuối năm tại Nhật có thể kể đến như: rượu bia, bánh kẹo, đồ uống, xúc xích, thịt xông khói, gia vị, nước tương, đồ sấy khô, nước tẩy rửa…

    Bia rượu ít khi vắng mặt trong các bữa tiệc cuối và đầu năm nên cũng là quà tặng phù hợp nhất. Sang trọng thì có các dòng bia thượng hạng, ngoài ra cũng có thể chọn các loại rượu mà người nhận ưa thích như rượu Nhật, rượu vang, rượu truyền thống… 

    Khung giá cho quà Oseibo phổ biến hiện nay là trong khoảng 3.000 – 5.000 yên. Chỉ với những người đặc biệt trọng đãi mình mới tặng những món quà trị giá lên đến 10.000 yên. Tuy vậy, với cung cách khiêm nhường của người Nhật nói chung, quà càng giá trị sẽ khiến đối phương càng khó xử. Thay vào đó, một tấm thiệp chúc với lời lẽ chân thành kèm theo sẽ dễ đi vào lòng đối phương hơn món quà đắt tiền rất nhiều.

    những quà tặng điển hình

    Lưu ý: Những quà không nên tặng:

    - Giày dép: không đủ trang trọng vì gợi liên tưởng tới sự giẫm đạp.
    - Vớ hoặc đồ lót: mang hàm nghĩa ngợi khen ngoại hình của đối phương nên không hợp với dụng ý của văn hóa Oseibo.
    - Dao kéo: mang ý nghĩa xấu là “cắt đứt quan hệ”.
    - Hoa và các loài thực vật: không nên mua nếu không nắm rõ ý nghĩa của từng loài.
    - Những vật dụng có cách phát âm gợi ý nghĩa xấu cũng nên tránh biếu tặng, như khăn tay được đọc là “tekire”, đồng âm với “phủi tay” (tuyệt giao); lược chải đầu là “kushi” gần giống với “chết trong đau khổ”…  
    - Đối với cấp trên và đối tác, những vật dụng như bút, đồng hồ, cặp xách… cũng không phù hợp vì chúng ẩn chứa thông điệp động viên đối phương hãy chăm chỉ, chuyên cần hơn.

    Q&A

    Q: Phải làm gì khi nhận được quà Oseibo?

    A: Trước nhất hãy viết thiệp cảm ơn. Tấm thiệp này vừa có tác dụng bày tỏ niềm vui trước sự chu đáo của người tặng, vừa có vai trò thông báo món quà đã đến nơi an toàn. Dù đã nói lời cám ơn qua điện thoại thì cũng phải gửi thiệp đi ngay sau đó, không được trì hoãn quá lâu.

    Đặc biệt, hãy viết thiệp bằng tay. Từng nét chữ nắn nót dễ truyền đạt tâm tư đến đối phương hơn, góp phần xây dựng mối quan hệ đáng tin cậy, sâu sắc, lâu dài.

    Ngoài thiệp viết tay, không cần thiết phải trả lễ nồng hậu. Có thể chỉ gửi thiệp hoặc trả lễ bằng món quà có trị giá tương đương. Một vật phẩm trả lễ quá đắt tiền cũng ngụ ý từ chối khéo tấm lòng mà đối phương dành tặng.

    làm gì khi nhận được quà Oseibo

    Q: Nếu đã để lỡ kì hạn Oseibo?

    A: Dù vậy cũng đừng do dự gửi ngay, vì cảm xúc dành cho đối phương quan trọng hơn mọi thứ quà cáp. 

    Trong trường hợp quà dự tính đến vào khoảng ngày 1 - 7/1, ở mặt trên nên ghi là quà “Onenga” (quà mừng năm mới). Nếu đến vào kì Lập xuân 8/1 - 4/2, thì hãy ghi là “Kanchu-mimai”. Trong trường hợp hi hữu là gia đình người nhận có tang, cần tránh gửi quà đến trong giai đoạn Onenga mà nên đến sau ngày 8/1.

    Q: Để không thất lễ khi muốn ngưng tặng Oseibo?

    A: Văn hóa tặng quà của người Nhật tưởng chừng đơn giản nhưng cũng khá phức tạp. Việc có nên tiếp tục tặng quà hay không tùy thuộc vào việc có muốn duy trì quan hệ đó hay không. 

    Ở Nhật có hai đợt tặng quà tri ân phổ biến là vào tháng 7 gọi là Ochugen, và vào tháng 12 là Oseibo. Người Nhật thường gửi quà tri ân vào cả hai dịp này. Việc một người mới năm trước còn thân bỗng dưng ngưng tặng quà cả hai lần có thể khiến đối phương bất ngờ và thất vọng. Tuy vậy nếu chỉ gửi quà vào đợt tháng 7 rồi bỏ qua dịp cuối năm cũng không phải là lối ứng xử đúng đắn. Một khi đã gửi quà Ochugen, nhất định phải gửi quà Oseibo. Trong trường hợp muốn cắt giảm quà cáp với người mình không thân thiết nữa, chỉ cần gửi quà vào dịp Oseibo và giảm dần tiền quà trong các năm sau. Sau nữa có thể bỏ qua khâu quà tặng nhưng vẫn nên gửi thiệp chào hỏi cuối năm để bày tỏ tấm lòng đối với người ơn cũ. Sự tiết giảm tuần tự như vậy sẽ không bị đánh giá là thất lễ với người từng thân thiết, giúp đỡ mình.

    kilala.vn

    27/12/2018

    Bài: Inako/ Ảnh: PIXTA

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!