8 cách phòng tránh sán khi ăn cá sống của người Nhật

    Ẩm thực Nhật Bản nổi tiếng với món cá sống trong sashimi hoặc sushi, theo đó, nguy cơ nhiễm sán, ký sinh trùng cũng rất cao. Vậy người Nhật đã làm gì để hạn chế sán khi ăn cá sống?

    Cách phòng ngừa sán khi chế biến cá sống

    Làm lạnh đúng cách

    phong tránh sán khi ăn cá sống
    Đông lạnh đồ sống ở âm 20 độ hoặc thấp hơn. Nguồn: nichireifoods.co.jp
    Sán sẽ chết ở nhiệt độ cao, ngược lại nhiệt độ thấp cũng diệt được chúng. Vì vậy, các đầu bếp Nhật sẽ xử lý cá sống bằng cách đông lạnh chúng ở nhiệt độ âm 20 độ hoặc thấp hơn và để cá trong môi trường đó trên 24 tiếng. Một số tủ lạnh gia dụng không thể làm lạnh dưới âm 20 độ. Trong trường hợp này, thời gian đông lạnh được khuyến khích là trên 48 tiếng.

    Nhanh chóng lấy nội tạng ra

    Khi cá đang ở độ tươi sống tốt nhất thì người đầu bếp sẽ nhanh chóng lấy nội tạng ra. Việc này sẽ ngăn ngừa nguy cơ sán di chuyển từ nội tạng sang các bộ phận khác của cá. Và khi lấy nội tạng ra, họ cũng không để trên tấm thớt đang ướt mà trực tiếp vứt ngay vào sọt rác. Vì sán có thể di chuyển và ký sinh vào phần ăn được của cá chỉ trong thời gian ngắn.

    Thái cá thành những lát thật mỏng

    phòng ngừa sán khi chế biến
    Sashimi thường được thái mỏng. Nguồn: syoku-life-labo.com
    Bạn sẽ thấy những lát sashimi thường được thái rất mỏng. Điều này vừa có tác dụng thẩm mỹ, vừa giúp cho người đầu bếp kiểm tra xem có sán bên trong hay không. Vì sán có kích thước lớn từ 2 đến 3cm nên nếu nhìn kỹ, ta có thể thấy được bằng mắt thường. Hơn nữa, ấu trùng sán sẽ chết ngay nếu có tác động lực làm tổn thương. Nên cá sống càng thái mỏng và chi tiết thì càng phòng tránh được sán.

    Tốc độ chế biến nhanh

    Sán có thể di chuyển chỉ trong thời gian ngắn, đặc biệt trên tấm thớt đang ướt, và ký sinh vào các loại cá làm sashimi. Nên để hạn chế nguy cơ, các đầu bếp Nhật phải thao tác thật nhanh và thuần thục. 

    Chú ý quan sát kỹ

    Sán có chiều dài từ 2 đến 3cm
    Sán có chiều dài từ 2 đến 3cm. Nguồn: buna.info
    Sán có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Nên khi chế biến, mổ xẻ, cắt lát, người ta luôn quan sát rất kỹ, đặc biệt với các loại cá có chứa nhiều sán như cá thu, mực, cá thu đao (sanma), cá sòng Nhật Bản, cá bơn vỉ…

    Cách phòng ngừa sán khi ăn cá sống

    Nhai kĩ

    Nhai kĩ không chỉ no lâu mà còn ngừa được bệnh trong trường hợp này. Vì ấu trùng sán sẽ chết nếu chịu tác động của lực nên nếu còn sót ấu trùng nào trong thịt thì nhai kĩ sẽ diệt trừ hết ấu trùng sán trước khi nuốt vào bụng.

    Ăn kèm với wasabi, lá tía tô

    Wasabi có tính kháng khuẩn, tiêu diệt ký sinh trùng
    Sashimi thường sẽ được ăn kèm với wasabi. Nguồn: Come2blog
    Khi ăn sushi hoặc ăn sashimi thông thường sẽ được ăn kèm với wasabi và lá tía tô. Chúng không chỉ giúp tăng hương vị cho thức ăn mà còn có tính kháng khuẩn, khử độc, hỗ trợ tiêu diệt ký sinh trùng.

    Luôn quan sát kĩ

    Sán là loại ký sinh trùng thường thấy trên cá sống. Và nó dễ phát hiện bằng mắt thường. Nên bạn luôn phải đề cao cảnh giác, luôn quan sát kĩ thịt cá trước khi cho vào miệng.

    Trên đây là những cách mà người Nhật áp dụng để phòng ngừa sán khi ăn cá sống. Những bạn bụng yếu thì tốt nhất nên hạn chế ăn cá sống. Còn nếu bạn lỡ “phải lòng” món ăn này thì chú ý áp dụng các cách trên và uống thuốc xổ giun 6 tháng 1 lần nhé.

    kilala.vn

    22/03/2019

    Bài: .Ngưn.

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!